Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

KICH THICH HUNG THU CUA HOC SINH

MỘT SỐ KINH NGHIỆM
KÍCH THÍCH THÁI ĐỘ HỌC TẬP TÍCH CỰC CHO HOC SINH
QUANG THANH NGHIA
Trường THCS VINH TUY

Thời đại hiện nay là thời đại siêu công nghiệp với đặc điểm chung là cách mạng khoa học, kỹ thuật và cách mạng xã hội phát triển cực kỳ nhanh. Nếu như những năm thập kỷ 70 của thế kỷ XX, tri thức nhân loại tăng gấp đôi theo chu kỳ 8 năm, thì đến nay chu kỳ đó chỉ còn 4 năm. Sự phát triển như vũ bão của xã hội, nhất là của cách mạng khoa học, kỹ thuật-công nghệ hiện nay khiến nội dung học vấn nghề nghiệp trong giáo dục-đào tạo đại học không ngừng được đổi mới, được hiện đại hóa. Từ thực tế đó nảy sinh mâu thuẫn giữa khối lượng tri thức và thực hành nghề nghiệp trong nội dung học vấn mà sinh viên (SV) cần nắm vững càng ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn trong khi đó thời lượng học tập của SV trong quá trình dạy học không thể tăng. Hướng giải quyết tích cực mâu thuẫn này đã và đang được thực hiện trong giáo dục-đào tạo đại học hiện nay là đổi mới phương pháp dạy học nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của SV, kích thích SV có thái độ học tập tích cực để đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện nghề nghiệp.
1.Thái độ học tập tích cực của SV
Thái độ học tập tích cực của SV là sự huy động ở mức độ cao các chức năng tâm lý (sự tập trung chú ý; nhu cầu, hứng thú học tập; các phẩm chất đạo đức; các phẩm chất trí tuệ; các phẩm chất thể chất...) để giúp cho việc học tập đạt hiệu quả. Thái độ học tập tích cực thể hiện đặc trưng ở sự tập trung chú ý và nhất là ở hứng thú của SV đối với đối tượng học và đối với việc học. Cho nên, kích thích SV tích cực học tập tức là kích thích sự tập trung chú ý của SV, làm cho họ có hứng thú trong học tập, ý thức được học nghề là nhu cầu, là niềm vui và cũng là trách nhiệm của người SV. Từ đó SV sẽ chủ động, tích cực, chuyên cần học tập, biết tìm cách khắc phục khó khăn để học tập tốt. Thái độ học tập tích cực của SV được coi là điều kiện, động lực thúc đẩy quá trình học nghề tiến bộ. Từ nghiên cứu cấu trúc của quá trình dạy học đại học, các nhà tâm lý, giáo dục học cho rằng các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ học tập tích cực của SV bao gồm: môi trường học tập; yêu cầu, nhiệm vụ học tập; nội dung học tập; giảng viên, đặc biệt là phương pháp dạy học của giảng viên và từ chính nhân cách được giáo dục, rèn luyện của SV.
Trên các giảng đường đại học, thái độ học tập của SV ra sao? Họ có tích cực học tập không?
Chúng tôi đã từng có những nghiên cứu nhỏ về vấn đề này. Một trong những phương pháp nghiên cứu là sử dụng phiếu quan sát giờ học để thu thập thông tin về thái độ học tập tích cực của SV. Chúng tôi đã sử dụng phiếu quan sát thái độ học tập của SV trong các lớp học tại trường Đại học Cần Thơ trước khi chương trình đào tạo được chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ (trong những lớp mà phương pháp chủ yếu được sử dụng là phương pháp thuyết trình và kết quả học tập được đánh giá chỉ qua một điểm số đó là điểm thi hết môn). Dựa vào những biểu hiện của thái độ học tập tích cực diễn ra trong các tiết lên lớp, phiếu quan sát giờ học được thiết kế như sau:
Phiếu quan sát giờ học
Trường: Lớp:
Môn:
Bài: Tiết:
T/gian
(phút) Chỉ số tính tích cực học tập của sinh viên trong tiết học Ghi chú
A B C D
0-5 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
5-10 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
10-15 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
15-20 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
20-25 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
25-30 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
30-35 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
35-40 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
40-45 12345678910 12345678910 12345678910 12345678910
Ghi chú:
- 5 phút đánh giá một lần bằng cách khoanh tròn một số lựa chọn (một trong các số từ số 1 đến số10).
- Các số từ 1 đến 10 chỉ số phần trăm các mức độ tích cực học tập của SV trong các tiết lên lớp.
- Các chỉ số ABCD lần lượt chỉ các mức độ:
+ A chỉ mức độ tập trung chú ý của SV trong giờ học, biểu hiện qua những hành vi cho thấy mức độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập và các yêu cầu của giáo viên trong học tập.
+ B chỉ mức độ cảm xúc của SV trong giờ học, biểu hiện qua hành vi bộc lộ sự thích thú, sôi nổi, hăng say trong học tập của họ.
+ C chỉ các hành vi biểu hiện mức độ tham gia của SV vào hoạt động học tập: trình bày, tranh luận, đề xuất vấn đề, thắc mắc, câu hỏi…
+ D chỉ các hành vi biểu hiện tâm thế (muốn học, thích học, ham học…) của SV trong học tập.
Ngày tháng năm
Người ghi
Xử lý thông tin thu được từ nghiên cứu này được kết quả thống kê thể hiện ở bảng Thái độ học tập của SV dưới đây:
Bảng. Thái độ học tập của SV
Thời gian
(phút) Chỉ số tính tích cực học tập trong tiết học
A B C D
0-5 4.5 4.0 3.5 3.5
5-10 6.0 5.0 5.0 5.0
10-15 6.5 5.5 5.5 5.5
15-20 6.5 5.5 5.0 5.5
20-25 5.5 5.0 4.5 5.0
25-30 5.0 4.5 4.5 4.5
30-35 4.5 4.0 4.0 4.0
35-40 4.0 3.5 3.5 4.0
40-45 3.0 3.0 3.0 3.5
X 5.0 4.4 4.2 4.5
Phân tích bảng trên cho thấy:
Trong các tiết học bằng phương pháp giảng dạy và đánh giá truyền thống, các chỉ số chỉ tính tích cực học tập của SV đều đạt ở mức trung bình và dưới trung bình. Trong các tiết học này, số SV có biểu hiện chú ý thực sự vào bài giảng của giảng viên và một số hoạt động hỗ trợ khác là 50%, 50% số SV còn lại có những biểu hiện chưa tập trung chú ý. Số SV có biểu hiện cảm xúc tích cực chiếm 44%, chịu tham gia thực sự vào quá trình học tập 42% và có vẻ hứng thú đối với việc học 45%.
Quan sát các tiết học trên lớp cho thấy bầu không khí tâm lý trong lớp nhìn chung là trầm hoặc ồn áo mất trật tự nhất là vào đầu hoặc cuối tiết học đặc biệt ở những lớp đông SV và SV thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Nhìn chung số SV thay nhau cúp tiết tương đối cao (trung bình khoảng 30%), có buổi lên đến 40-50% ở những lớp đông SV, SV nhiều chuyên ngành khác nhau cùng học môn học và học ở hội trường.
Tóm lại, cùng với các thông tin về thái độ của SV trong học tập thu được qua các phương pháp nghiên cứu khác, có thể khẳng định nhìn chung trong các tiết học truyền thống SV viên chưa tích cực học tập. Cho nên việc tìm kiếm cách thức kích thích thái độ học tập tích cực cho SV là một yêu cầu cấp bách trong giáo dục-đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học hiện nay.
2. Một số kinh nghiệm kích thích thái độ học tập tích cực cho SV
Làm sao để SV tích cực học tập môn học?
Nỗi trăn trở không chỉ của riêng giảng viên đứng lớp nào.
Là một giáo viên giảng dạy môn Giáo dục học-môn nghiệp vụ sư phạm, việc có những biện pháp kích thích thái độ học tập tích cực cho SV vô cùng quan trọng. Thứ nhất, kích thích thái độ học tập cho SV nhằm tạo động lực thúc đẩy SV học tập đạt hiệu quả. Thứ hai, kích thích thái độ học tập tích cực cho học sinh, một khâu trong logic của quá trình dạy học, là một trong các nội dung kiến thức nghiệp vụ sư phạm mà giáo sinh cần nắm vững.
Từ ý thức được tầm quan trong của việc kích thích thái độ học tập tích cực cho SV trong quá trình dạy học và các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ học tập tích cực của SV, trong giảng dạy môn học tôi thường nghiên cứu ứng dụng một cách phối hợp các biện pháp kích thích SV học tập tích cực. Dưới đây xin chia sẻ với các đồng nghiệp một số kinh nghiệm cá nhân.
2.1. Biện pháp tác động lên thái độ học nghề một cách tích cực ngay từ tiết đầu tiên của môn học là cực kỳ quan trọng.
Tiết đầu tiên của môn học, các giảng viên thường dành ít phút để làm “thủ tục” giới thiệu bản thân và giới thiệu khái quát về môn học trước khi vào bài học đầu tiên. Tôi thường dành 2 tiết cho “thủ tục” này và bố trí thành bài mở đầu trong chương trình giảng dạy môn học. Cách thức điều khiển hai tiết học này được tôi tiến hành như sau:
Sau khi chào lớp và cho SV ngồi xuống tôi nhanh chóng làm quen với lớp học bằng những câu hỏi: Các em thuộc chuyên ngành nào? Bao nhiêu em thuộc chuyên ngành đó? Hãy tự giới thiệu bản thân (hoặc các bạn trong nhóm ngành của mình) với các bạn khác (hoặc nhóm ngành khác) trong lớp...Những câu trả lời sẽ cho tôi biết trong lớp mình giảng dạy bao gồm những SV thuộc chuyên ngành nào, bước đầu cho họ làm quen với nhau rồi từ đó nhanh chóng chuyển sang câu hỏi trọng tâm: Sau này khi trở thành giáo viên, trong tiết lên lớp đầu tiên của môn học, trước khi vào bài học đầu tiên người giáo viên nên làm gì? Với câu hỏi như vậy, câu trả lời của SV thường là: giáo viên giới thiệu bản thân, giới thiệu môn học. Số ít trả lời: làm quen với học sinh. Tôi chốt lại hai hoạt động “giới thiệu” và “làm quen” trên bảng và sử dụng hoạt động với động từ “làm quen” bằng những câu hỏi tiếp tục: -Vừa rồi ai làm quen với ai? Tôi hỏi. -Giáo viên làm quen với SV. SV đáp. Đúng giáo viên làm quen với SV. Tôi khẳng định (và tôi vạch một mũi tên xuất phát từ động từ làm quen đến cụm từ thứ nhất: “với nhau”). -Có nên cho học sinh làm quen với giáo viên không? Tôi hỏi tiếp. -Có. SV trả lời. -Các em muốn biết gì về cô? Có thể hỏi cô ba câu với câu dặn dò vui nhớ đừng để mất điều ước nào nhé (vì đã từng có trường hợp thay vì đặt câu hỏi làm quen với giáo viên, có SV đã đặt câu hỏi làm quen với môn học). Sau khi giới thiệu bản thân bằng cách trả lời ba câu hỏi của SV, tôi tiếp tục vẽ mũi tên đến cụm từ thứ hai: “với môn học”. Đối với hoạt động làm quen với môn học, tôi cho SV thảo luận nhóm (hai SV bàn trên quay xuống hai SV bàn dưới) với câu hỏi: Nếu cho học sinh hỏi về môn học và việc học môn học thì các em thường có những câu hỏi nào? (yêu cầu: ghi tên các thành viên trong nhóm và các câu hỏi lên giấy rời trong thời gian 5 phút). Phân tích, tổng hợp nhanh thông tin thu được từ sản phẩm hoạt động của các nhóm, tôi hoàn tất sơ đồ trên bảng về hoạt động làm quen như sau:

Sau đó tôi tiếp tục:
- Cùng SV trao đổi về 7 câu hỏi trên đối với môn Giáo dục học và việc học môn Giáo dục học.
- Chỉ cho SV thấy nếu dùng cách giới thiệu về môn học thì giáo viên sẽ giới thiệu cho học sinh nghe về môn học bằng cách trả lời lần lượt từ câu hỏi số 1 đến câu hỏi số 7 trong sơ đồ trên.
- Và đặt thêm vấn đề: Vậy thì nên cho học sinh “làm quen” với môn học hay nên “giới thiệu” môn học? Vì sao?
Với cách làm như vậy, ngay từ tiết đầu tiên của môn học tôi muốn tạo bầu không khí tâm lý cởi mở, thân tình ban đầu giữa giảng viên-SV, giữa SV-SV; cùng SV thảo luận để ý thức được bức tranh tổng quan về môn học, về những đòi hỏi, những thỏa thuận giữa giảng viên và SV đối với việc học bằng một loạt các vấn đề: Giáo dục học là gì? Tại sao nên nghiên cứu Giáo dục học? Ai nên nghiên cứu Giáo dục học? Trong quá trình học tập môn Giáo dục học cần đạt được những mục tiêu/yêu cầu nào? Chương trình môn Giáo dục học bao gồm những nội dung nào và kế hoạch thực hiện ra sao? Nên học nghề qua học môn Giáo dục học như thế nào cho tốt? Nên học môn Giáo dục học từ những nguồn thông tin nào? Cách đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục học ra sao? Ngoài ra SV sư phạm sẽ là người giáo viên trong tương lai, tôi muốn họ hãy đặt mình vào hai vị thế, vị thế là một SV (người học) và vị thế là một giáo viên (người dạy đi dự giờ) trong mỗi tiết lên lớp ở đại học (dù đó là tiết học môn nào).
Những biện pháp kích thích thái độ học tập tích cực cho họ sẽ là những minh họa, những bài học sư phạm sinh động để họ rút kinh nghiệm và vận dụng hòng đề ra những những biện pháp kích thích thái độ học tập tích cực cho học sinh của họ sau này.
2.2. Nghiên cứu ứng dụng phối hợp các phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học trên lớp là một điều cực kỳ cần thiết.
Với xu thế hội nhập về giáo dục hiện nay, kinh nghiệm về dạy học tích cực có thể tìm kiếm được từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Ở một số trường đại học có tiềm năng về hợp tác quốc tế (ví dụ đại học Cần Thơ), các giảng viên có nhiều cơ hội tiếp cận với các phương pháp dạy học tích cực từ những hội thảo của các dự án hợp tác quốc tế về phương pháp dạy học. Thậm chí tiếp cận nhiều lần với các chuyên gia của nhiều nước cùng một vấn đề dạy học tích cực. Được tham dự những hội thảo như vậy tôi coi đó là cơ hội và chỉ là một trong số những cơ hội (cũng giống như tìm kiếm được những trang sách, những trang web về vấn đề đó) để tiếp cận với phương pháp giảng dạy tích cực. Còn những kinh nghiệm đó có trở thành của mình hay không, trở thành của mình như thế nào thì lại phải trải qua quá trình nghiên cứu ứng dụng trong chính hoạt động giảng dạy của mình, ở trường mình, trên đất nước mình. Với quan điểm như vậy, quá trình giảng dạy môn học của tôi gắn liền với quá trình nghiên cứu ứng dụng những kinh nghiệm tiên tiến trong giảng dạy và biên soạn tài liệu phục vụ cho giảng dạy môn học theo hướng tích cực.
Trong giảng dạy tôi không coi phương pháp, phương tiện hay hình thức tổ chức dạy học nào là độc tôn, mỗi phương pháp, phương tiện hay hình thức tổ chức dạy học đều có những thế mạnh đồng thời cũng có những điểm yếu. Cho nên việc lựa chọn, sử dụng phối hợp các phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học trên lớp được tôi coi là cực kỳ cần thiết. Các căn cứ để lựa chọn vận dụng phương pháp, phương tiện hay hình thức tổ chức dạy học môn học thường là: tác dụng của mỗi phương pháp, phương tiện hay hình thức tổ chức dạy học; mục tiêu môn học; nội dung/chương trình dạy học môn học; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho dạy học môn học; đặc điểm SV lớp học và khả năng sử dụng phương pháp, phương tiện hay hình thức tổ chức dạy học của bản thân.
Tôi nghĩ việc đánh giá kết quả học tập môn học như thế nào là yếu tố kích thích và điều chỉnh thái độ học tập tích cực cho SV. Cách thức đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục học đã được thống nhất với SV như sau: 50% điểm số cho đánh giá thường xuyên trong đó 25% điểm số cho 1 bài kiểm tra, 25% điểm số cho những sản phẩm của những hoạt động cá nhân và nhóm diễn ra trên lớp. Còn 50% điểm số cho bài thi hết môn. Đối với 25% điểm số đánh giá qua sản phẩm, mỗi buổi học tôi sẽ thu và xử lý nhanh một sản phẩm (tờ giấy rời ghi tên các thành viên trong nhóm và ghi kết quả thảo luận của nhóm ở phần trên là một ví dụ). Cách làm này có hai tác dụng chính: một là phục vụ cho chính quá trình giảng dạy trên lớp (giúp tôi có thông tin phản hồi về kết quả học tập của SV để điều khiển kịp thời, phù hợp quá trình giảng dạy trên lớp. Hai là, từ tên của SV ghi trên sản phẩm, tôi có thể quản lý được sự đến lớp của SV mà không cần mất thời gian điểm danh trên lớp. Từ cách quản lý này tôi nắm khá tốt tình hình học tập của SV (dù lớp học có sĩ số khá đông). Đây cũng là cơ sở để tôi khuyến khích SV về thái độ học tập, dù chỉ là một kỹ thuật nhỏ như đọc tên tất cả các SV có đầy đủ những sản phẩm học tập (cũng tức là có mặt trên lớp đầy đủ) và nêu tên số SV hay nhóm SV có sản phẩm đạt kết quả tốt.
Trong thời gian qua, tôi tập trung nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả một số phương pháp dạy học tích cực như dạy học tình huống, hướng dẫn SV tìm tòi, tra cứu thông tin, tổ chức thảo luận, làm việc nhóm…Ngoài sản phẩm học tập thu được từ những buổi làm việc trên lớp, tôi khuyến kích SV làm sản phẩm từ hoạt động tự học bằng tìm tòi, tra cứu thông tin. SV trong các lớp học môn Giáo dục học bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau, để phát huy khả năng, nhất là khả năng chuyên môn của họ, tôi gợi ý để họ tự xác định chủ đề, vấn đề và dạng sản phẩm thể hiện, ví dụ như bài luận, bộ sưu tập, trang website…Để khuyến khích, điểm số của sản phẩm có thể sử dụng để thay thế cho điểm thi hết môn, hoặc điểm số của bài kiểm tra giữa kỳ nếu SV muốn.
Tìm kiếm cách thức kích thích thái độ học tích cực cho SV là một quá trình đồng hành với quá trình giảng dạy môn học. Đó cũng chính là biểu hiện của thái độ tích cực trong giảng dạy của giảng viên với mong muốn SV Việt Nam, nhất là SV sư phạm Việt Nam hãy tích cực học tập, học nghề sư phạm để trở thành người kỹ sư tâm hồn thành đạt trong tương lai.
Cần Thơ, tháng 07 năm 2009

1 nhận xét:

  1. bài viết của thầy rất chân thật và tôi rất cảm kích. Đây sẽ là những bài học hay cho các thầy các cô khác

    Trả lờiXóa